Mối hợp tác Đạt Phương – FiviGroup
Phối cảnh dự án Nam Hội An City Riverside được quảng bá trên một số trang môi giới bất động sản
Ngày 10/7/2020, UBND Tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định số 1840/QĐ-UBND chấp thuận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Nồi Rang (tên thương mại: Nam Hội An City Riverside) từ CTCP Đạt Phương Hội An (công ty con của CTCP Đạt Phương – Mã CK: DPG) cho CTCP Đầu tư Chu Lai Hội An (Chu Lai Hội An JSC).
Dự án Khu đô thị Nồi Rang do DPG làm chủ đầu tư, được phát triển trên quỹ đất đối ứng hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (hợp đồng BT).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 299,7 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự kiến từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2021. Được biết, để đối ứng cho dự án BT đầu tư xây dựng cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại, UBND tỉnh Quảng Nam đã sử dụng quỹ đất lên tới 305 ha để đối ứng cho DPG, bao gồm: Khu đô thị Đồng Nà (6 ha), Khu đô thị Võng Nhi (15 ha), Khu đô thị Cồn Tiến (30 ha), Khu đô thị Nồi Rang (huyện Duy Xuyên, 25 ha) và Khu đông thị ven biển xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) rộng 230 ha.
Trước khi chuyển nhượng cho Chu Lai Hội An JSC, dự án đã được nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật đợt 1, đã hoàn thành 95% diện tích, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần 1) cho các block đất thương mại dịch vụ (TM1, TM2, TM3) và đất ở (CL3-1 đến CL3-4, CL4-1 đến CL4-4, CL5-1 đến CL5-3, CL6-1 đến CL6-4, CL7-1 đến CL7-4, CL8-1 đến CL8-4, CL9, CL10, CL11).
Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị Nồi Rang đã được DPG nhắm cho Chu Lai Hội An JSC từ nhiều năm trước.
Cụ thể, DPG đã nhận tiền góp vốn từ Chu Lai Hội An JSC theo các hợp đồng hợp tác đầu tư số 02B/HĐHTĐT ngày 24/11/2016 và Phụ lục ngày 20/2/2017 để tiến tới ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án Khu đô thị Nồi Rang cho doanh nghiệp này ngay sau khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng.
Những sự ưu ái mà DPG dành cho phía đối tác kín tiếng, chưa niêm yết, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về giới chủ của Chu Lai Hội An JSC.
FiviGroup (Tập đoàn FVG)
Cho thấy, Chu Lai Hội An JSC ban đầu có tên gọi là CTCP Đầu tư Tam Kỳ Hội An, được thành lập ngày 24/11/2016 – tức ngay sau khi thành lập, Chu Lai Hội An JSC đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với DPG, gửi cả chục tỷ đồng để phát triển dự án bất động sản.
Ban đầu, Chu Lai Hội An JSC có quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, sáng lập bởi ông Nguyễn Anh Tú (sở hữu 98% VĐL) cùng vợ chồng doanh nhân Võ Thúy An – Nguyễn Anh Tấn (sở hữu 2% VĐL).
Tuy nhiên, tới tháng 10/2017, sau khi Chu Lai Hội An JSC tăng vốn lên 550 tỷ đồng, ông Nguyễn Anh Tấn và bà Võ Thúy An đã vượt lên nắm tới 99% cổ phần. Ông Nguyễn Anh Tấn (SN 1973) cũng thay thế cho ông Tú đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT ở doanh nghiệp này.
Cuộc đổi ngôi tại Chu Lai Hội An JSC có lẽ chỉ mang tính chất nội bộ. Bởi ông Nguyễn Anh Tú cũng là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái FiviGroup (hay còn được biết đến với tên gọi Tập đoàn FVG) của vợ chồng doanh nhân Võ Thúy An – Nguyễn Anh Tấn.
Theo giới thiệu, Tập đoàn FVG được thành lập từ ngày 3/9/2015 với hai thành viên chính là FVG Travel và FVG Constructions, phần nào thể hiện thế mạnh trong lĩnh vực khách sạn và xây dựng.
Trong lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn FVG có 2 cái tên đáng chú ý là Công ty TNHH Xây dựng Phú Vinh (thành lập năm 2001) và CTCP Tư vấn Thiết kế & Xây dựng FVG Tiến Tài Kha (thành lập năm 2013).
Tại Công ty TNHH Xây dựng Phú Vinh (Phú Vinh), ông Nguyễn Anh Tấn sở hữu 50% cổ phần, trong khi 50% còn lại do ông Nguyễn Anh Tú và bà Nguyễn Kim Quyên sở hữu.
Lĩnh vực khách sạn do vợ ông Nguyễn Anh Tấn - bà Võ Thúy An (SN 1980) - quản lý. Bà An hiện là Chủ tịch HĐQT, cổ đông nắm giữ 98% vốn, của CTCP Tập đoàn FVG Travel. Theo đó, FVG Travel đang quản lý và vận hành 7 khách sạn gồm: Fivitel Đà Nẵng, Queen’s Finger Đà Nẵng, King’s Finger Đà Nẵng, Fivitel Boutique Đà Nẵng, Fivitel Hội An. Ngoài ra, FVG Travel cũng đang quản lý một số nhà hàng và tour du lịch khác.
Mối hợp tác Đạt Phương – FiviGroup
Theo ghi nhận của VietTimes, cuộc song hành giữa DPG và FiviGroup đã góp phần phát triển và gây dựng vị thế cho cả hai doanh nghiệp trên thương trường, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.
Năm 2018, liên danh DPG – Công ty TNHH Xây dựng Phú Vinh (Phú Vinh) đã liên tiếp trúng hai gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án Đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi Cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (Quảng Nam) với tổng giá trúng thầu hơn 1.131 tỷ đồng.
Phú Vinh cũng là công ty xây dựng thực hiện dự án Khu đô thị Nồi Rang nêu trên. Trong nửa đầu năm 2020, DPG còn ghi nhận khoản phải thu gần 110 tỷ đồng với Phú Vinh, và 57,39 tỷ đồng với Chu Lai Hội An JSC.
Một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, vào tháng 6/2019, bà Võ Thúy An đã ký kết hợp đồng mua bán căn biệt thự rộng 225 m2 với CTCP Đạt Phương Hội An (thành viên của DPG) thuộc Khu đô thị Võng Nhi (hay Casamia Hội An) tại xã Cẩm Thanh, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tổng giá trị hợp đồng hơn 16,26 tỷ đồng.
Ngoài những Chu Lai Hội An JSC hay Phú Vinh, hệ sinh thái của FiviGroup còn bao gồm nhiều thành viên khác như: Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Anadi, CTCP Khu Du Lịch Nghỉ Dưỡng A Vương, CTCP Khu du lịch sinh thái thắc Grăng, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tấn Nguyễn Gia, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Kachiusa, CTCP Cung điện vàng,…
Thông qua loạt pháp nhân này, giới chủ của FiviGroup đã sở hữu nhiều dự án bất động sản khác, như: Khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa (99,6 ha), Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (120 ha)./.
Link báo: https://viettimes.vn/moi-hop-tac-dat-phuong-fivigroup-post135154.html