Hỗ trợ trực tuyến
Tin tức

QUẢNG NAM: QUY HOẠCH VÙNG ĐÔNG XÁC LẬP HÀNH LANG XANH VĨNH VIỄN

10:36 - 30/03/2021
Quảng Nam đã xác định mục tiêu xây dựng phát triển vùng đông thành khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nơi sẽ đầu tư các nhóm dự án động lực tương lai. Ngoài khát vọng biến vùng đông thành nơi “rất đáng sống”, đồ án quy hoạch xây dựng còn đề xuất xác lập một số hành lang xanh vĩnh viễn.


Nhận diện bất cập

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các ngành và địa phương liên quan về nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông của tỉnh. Mục đích chính nhằm điều chỉnh, bổ sung và củng cố thêm những căn cứ khoa học lẫn thực tiễn trong tầm nhìn quy hoạch để phát triển vùng đông tương xứng với tiềm năng.

“Về quy hoạch vùng đông, quan điểm của tỉnh là lấy cảnh quan, môi trường sinh thái làm bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển, và kinh tế là mũi nhọn có giá trị sinh lời, có tác dụng giữ cho sinh thái, văn hóa - xã hội phát triển bền vững”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Không phải đến bây giờ mới đem ra bàn thảo về quy hoạch vùng đông mà từ 10 năm trước Quảng Nam đã có định hướng, nhưng thời điểm đó “điểm nhìn” quy hoạch còn hạn hẹp, bộc lộ không ít bất cập về xác định phạm vi không gian phát triển.


Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ dự án đường Võ Chí Công qua huyện Núi Thành. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm ở vùng đông của tỉnh. Ảnh: H.P

KTS. Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (đơn vị lập đồ án quy hoạch) cho biết, có sự khác biệt rõ rệt trong Quy hoạch vùng đông số 389 (gọi tắt Quy hoạch 389) đã được tỉnh phê duyệt năm 2011 và đề xuất điều chỉnh hiện nay ở phạm vi ranh giới, quy mô lập quy hoạch.

Theo Quy hoạch 389, phạm vi lập quy hoạch vùng đông thuộc địa giới hành chính của các huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An, với diện tích 1.095km2, dân số 764 nghìn người. Nay thì đề xuất quy hoạch điều chỉnh bao gồm toàn bộ địa giới hành chính 9 huyện phía đông của tỉnh, có diện tích tăng gần gấp ba (2.742km2), dân số gần 1,2 triệu người.

KTS. Nguyễn Văn Phong lập luận: “Sở dĩ chọn địa giới 9 huyện đồng bằng (chứ không như quy hoạch vùng đông trước đây tính từ đường cao tốc xuống) vì có tương đồng về địa chính trị, kinh tế, điều kiện tự nhiên và xã hội. Nếu tách rời địa giới hành chính thì khó khăn trong phát triển đồng bộ. Mặt khác, đây là vùng động lực có tính liên kết phát triển chặt chẽ, bổ sung cho nhau và không nên tách rời”.

Sự phát triển ồ ạt, tự phát của các hoạt động kinh tế trong khi các địa phương buông lỏng quản lý đã phá vỡ nhiều cảnh quan tự nhiên vùng đông. Hệ lụy nhãn tiền là các công trình lấn sát mép nước biển, sông không theo nguyên tắc trật tự nào; hay sự “khủng hoảng thiếu” trong quy hoạch các bãi tắm công cộng. Khu vực ven sông, chẳng hạn Cổ Cò dù đã được định hướng là dòng sông của đô thị với kiến trúc độc đáo, nhưng hai bên bờ nhà đầu tư mạnh ai nấy… phân lô bán nền. Dọc “cơ thể” của dòng sông này đầy dấu vết loang lổ của sự chắp vá, chia cắt mặt bằng. Làn sóng thu hút đầu tư, chạy đua với tốc độ phát triển đô thị nhanh trong khi lại hạn hẹp trong tư duy quy hoạch đã biến cảnh quan ven sông Cổ Cò bị phá vỡ.

Đường ven biển Võ Chí Công nối Hội An với Núi Thành tạo sự liên kết không gian phát triển vùng đông.Ảnh: ĐẮC THÀNH

Con đường ven biển Võ Chí Công nối Hội An với Núi Thành là minh chứng cho sự liên kết không gian phát triển vùng đông. Các trục đường ngang, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hình thành tạo sự đồng bộ trong kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, sở đồng tình ủng hộ với nội dung quy hoạch mà đơn vị tư vấn đưa ra, nhất là trong kết nối mạng lưới giao thông đường bộ, cảng biển, đường thủy (nạo vét sông Trường Giang) và hàng không. Mỗi loại hình giao thông có lợi thế riêng, nên quy hoạch tránh gây xung đột về lợi ích mà cần hỗ trợ phát triển cho nhau.

“Đề xuất quy hoạch mới cần rà soát, đánh giá sự sai khác giữa các quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đang thực hiện so với quy hoạch vùng đông đã duyệt, xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp xây dựng quy hoạch đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Từ nhiều năm trước, các địa phương ven biển đã quy hoạch sắp xếp dân cư, phát triển đô thị, kinh tế biển, song dường như “bỏ quên” quy hoạch các nghĩa trang, bố trí quỹ đất hợp lý cho người chết. Tại nhiều địa phương vùng đông, thực tế đã phát sinh mâu thuẫn trong quy hoạch phát triển loại hình du lịch, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy.  

Quy hoạch hành lang xanh vĩnh viễn

Theo đơn vị tư vấn, mục tiêu lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông của tỉnh sẽ giải quyết các vấn đề mất cân đối trong phát triển của toàn tỉnh và vùng liên huyện phía đông với các tiểu vùng khác. Đó là tăng sức chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu đặc thù của toàn bộ dải miền Trung và dịch bệnh toàn cầu; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Điều quan trọng, là kết nối đồng bộ không gian và phát triển chuỗi đô thị liên kết; xác lập các phân vùng phát triển không gian.

Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Nam kỳ vọng xác lập vùng đông thành khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Đây là vùng động lực của tỉnh, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển.

Quảng Nam định hướng đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị; trung tâm dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng thời phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, trở thành khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Theo quy hoạch, vùng đông có 3 cụm động lực phát triển chính, gồm Điện Bàn - Hội An; Nam Hội An (Duy Xuyên - Quế Sơn - Thăng Bình) và Chu Lai (Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành).

Theo Sở Xây dựng, quy hoạch điều chỉnh bổ sung vùng đông cần xác lập các phân vùng phát triển không gian vừa nối kết với tổng thể phát triển chung của toàn tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các phân vùng không gian xây dựng tập trung như cụm công nghiệp lớn, các vùng đô thị phát triển; các phân vùng cảnh quan; phân vùng không gian đô thị và nông thôn gắn với công nghiệp vừa và nhỏ…

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói, đề xuất quy hoạch xây dựng vùng đông không thoát ly các định hướng lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và vùng tỉnh Quảng Nam có tác động đến không gian vùng liên huyện phía đông của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, đồ án quy hoạch phải thể hiện tính liên kết với toàn bộ TP.Đà Nẵng về phía bắc, khu vực Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi về phía nam và các huyện phía tây của tỉnh. Dù có nhiều quy hoạch đã duyệt, nhưng việc lập quy hoạch vùng đông cần mạnh dạn điều chỉnh nếu quy hoạch cũ không phù hợp. Yêu cầu đặt ra là khớp nối đồng bộ hạ tầng, bảo đảm gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái, phát triển khu vực này trở thành vùng đô thị rất đáng sống.

Theo đề xuất của Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, trong nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông Quảng Nam, sẽ đề xuất xác lập một số hành lang xanh vĩnh viễn. Cụ thể vùng ven sông Thu Bồn gắn với đô thị Hội An và Mỹ Sơn; vùng ven sông Trường Giang, Cổ Cò; vùng sinh thái Phú Ninh và một số hành lang xanh nông nghiệp đông - tây. Trong khi đó, quy mô phát triển các đô thị theo đề xuất vùng đô thị phía đông nam gắn với trung tâm tỉnh lỵ và Khu kinh tế mở Chu Lai; vùng đô thị phía đông bắc gắn với đô thị cổ Hội An, Điện Bàn và vệt đô thị, công nghiệp dọc tuyến 14B; vùng sinh thái đô thị Thăng Bình - Duy Xuyên - Quế Sơn; các đô thị nhỏ ở phía tây.

HỮU PHÚC
BÁO QUẢNG NAM

Có thể bạn quan tâm
Toà FPT Plaza 3: Sẽ có gì khác biệt so với FPT Plaza 1 và FPT Plaza 2?
Cuối tháng 10/2024, thị trường bất động sản sẽ chào đón sự ra mắt của tòa nhà ấn tượng FPT Plaza 3. Những thành công rực rỡ của FPT Plaza 1 và FPT Plaza 2 đã tạo nên tiếng vang lớn, thu hút sự quan...
21:04 - 05/10/2024
Đà Nẵng: Một thành phố đang thay da đổi thịt với hàng loạt dự án cao tầng
Trong bối cảnh Đà Nẵng đang trải qua một cuộc cách mạng bất động sản, hàng loạt dự án căn hộ cao tầng đang khẩn trương được xây dựng. Điều gì đã thúc đẩy sự phát triển này? Liệu thành phố biển này sẽ...
19:32 - 05/10/2024
Giá bán căn hộ FPT Plaza 3 cập nhật tháng 10/2024
Trong tháng 10/2024, căn hộ FPT Plaza 3 được ra mắt bởi Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng, hứa hẹn trở thành biểu tượng thịnh vượng tại thành phố Đà Nẵng. Nhưng giá bán của dự án này là bao nhiêu?...
07:55 - 05/10/2024
Vị trí FPT Plaza 3 ở đâu? Có ưu nhược điểm gì?
Bài viết này giới thiệu FPT Plaza 3, một dự án căn hộ nổi bật nằm trên đường Hoàng Minh Thắng, Đà Nẵng. Được phát triển bởi Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng, dự án sở hữu vị trí thuận lợi, gần biển...
19:15 - 04/10/2024
FPT Plaza 3 Đà Nẵng: Dự Án Chung Cư Đang Sẵn Sàng Mở Bán - Điều Gì Khiến Nó Trở Nên Đặc Biệt?
FPT Plaza 3, dự án chung cư mới tại Đà Nẵng, vừa được xác nhận đủ điều kiện mở bán. Với thiết kế hiện đại và vị trí đắc địa, dự án hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của cư dân. Điều gì đã...
09:27 - 27/09/2024