Thay áo cho TP Đà Nẵng (*): Rộng cửa đón nhà đầu tư
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc thông qua đồ án quy hoạch chung và phê duyệt dự án bến cảng Liên Chiểu là một bước đi quan trọng trong định hướng phát triển của TP Đà Nẵng
Sáng 29-3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng, gồm: Nghị định triển khai Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Chấm dứt quy hoạch dàn trải
Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay theo quy hoạch mới được điều chỉnh, Đà Nẵng sẽ chuyển đổi mô hình đô thị từ phát triển dàn trải, sử dụng đất đơn năng, phát triển đơn cực thành đô thị nén, sử dụng đất đa năng, đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm. Về đô thị nén, TP sẽ tái thiết các khu đô thị cũ thành các khu cao tầng và tập trung đầu tư hạ tầng tương ứng, trọng tâm. Cụ thể, khu vực trung tâm đô thị mở rộng quy mô 631 ha; khu An Đồn được xác định là khu đô thị cao tầng mới.
Đối với các khu đô thị mới, TP sẽ tập trung phát triển cao tầng. Khu đô thị sườn đồi phát triển đến 25 tầng và áp dụng quy chuẩn mới cho đơn vị ở mới là 28 m2/người. Bên cạnh đó, TP còn xác lập các chỉ tiêu như hệ số sử dụng đất trung bình tới 7.0. Chiều cao xây dựng trung bình ở một số khu vực lên đến 150 m… Theo ông Phong, cách quy hoạch này vừa kiểm soát phát triển và tái phát triển vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch, TP Đà Nẵng sẽ chấm dứt quy hoạch dàn trải và sẽ tận dụng tốt hơn không gian đô thị. Trong ảnh: Quy hoạch các khu trung tâm của Đà Nẵng hiện tại Ảnh: QUANG LUẬT
Đối với quy hoạch khu vực trung tâm, tại các khu đô thị hiện hữu, quy hoạch này cơ bản kế thừa định hướng quy hoạch chung 2013 gồm Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, một phần Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Quy hoạch được điều chỉnh kế thừa và tiếp tục hoàn thiện các khu vực đô thị còn lại của Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Để giữ lại nét văn hóa, lịch sử của địa phương, theo ông Phong, quy hoạch giữ điểm nhấn đô thị ở khu bảo tàng sống. Đây sẽ là khu vực đô thị truyền thống với các con đường có quy mô phù hợp các đường hẻm và đình làng Hải Châu để giới thiệu về lịch sử và lối sống đô thị tại Đà Nẵng.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được lập, phản biện và thẩm định một cách kỹ lưỡng, công phu, khoa học và toàn diện. Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nén tại trung tâm và đầu mối giao thông, xen kẽ với các khu vực "rỗng" dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên.
Nơi nhà đầu tư hài lòng nhất
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung vừa được phê duyệt, TP sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu… Theo ông Chinh, Đà Nẵng sẽ không ngừng phấn đấu để ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới. "Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành nơi nhà đầu tư hài lòng nhất" - ông Chinh nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Chính trị đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics… Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng cần nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững.
"TP cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện đồ án quy hoạch chung theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hằng năm. Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội; cần tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội..." - Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là bước đi quan trọng trong sự phát triển của TP Đà Nẵng. "Tôi tin tưởng TP sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới để trở thành một TP phát triển văn minh, hiện đại, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và sẽ trở thành một động lực mới cho phát triển đất nước" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tháo gỡ các dự án đang vướng mắc
Đối với những dự án đang bị vướng mắc do quá trình thanh tra kiểm tra gồm: các dự án ở bán đảo Sơn Trà; các dự án ven biển; một số dự án trong quá trình rà soát như Marina Complex, Olalani ven sông Hàn..., ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng việc thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng là cơ sở pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc tại những dự án nói trên.
Ông Phùng Phú Phong cho hay Sở Xây dựng TP đang đề xuất các giải pháp nhằm tham mưu cho lãnh đạo TP tháo gỡ căn cơ đối với các dự án trên.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-3
BÍCH VÂN